An toàn giao thông cho học sinh đến trường - “dạy con từ thuở còn thơ”
Cuối tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đối với học sinh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến tận Ban ATGT cấp xã với sự tham gia của thành viên Ban ATGT các cấp, lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo các địa phương, lãnh đạo các cơ sở giáo dục (CSGD) cho thấy sự quan tâm và đánh giá của Chính phủ về tính cấp thiết của vấn đề này.
Theo số liệu tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh (6-18 tuổi) của Cục Cảnh sát giao thông, trong 10 tháng đầu năm trên toàn quốc xảy ra tới 881 vụ, làm 490 em tử vong, 827 em bị thương. Trong đó, có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong các vụ TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người. Về nguyên nhân và phương tiện điều khiển liên quan trong các vụ tai nạn, đáng lo ngại là tỷ lệ xe mô tô 50-175cm3 chiếm tới trên 71%; các nguyên nhân thuộc về ý thức của người tham gia giao thông chiếm phần lớn như: đi không đúng phần đường, chiều đường, chuyển hướng không đúng quy định, không chú ý quan sát, tránh vượt sai quy định, không nhường đường…
Nam Định là một trong số các địa phương có số vụ TNGT thấp trên cả nước, chỉ xảy ra 2 vụ làm 1 người chết, 3 người bị thương. Theo Báo cáo tổng hợp của Ủy ban ATGT quốc gia, Nam Định cũng nằm trong số địa phương triển khai tích cực Chương trình phối hợp số 11/CtrPH-BCA-BGDĐT ngày 19-10-2022 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong các CSGD giai đoạn 2022-2025. Cụ thể toàn quốc có 18 địa phương đã tổ chức tuyên truyền cho nhiều CSGD trên địa bàn; có 22 địa phương tổ chức ký cam kết với nhiều CSGD và 14 địa phương duy trì tốt mô hình “cổng trường ATGT”… Tuy nhiên, trên thực tế có thể nhận thấy rất rõ tình trạng tham gia giao thông thiếu an toàn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT ở đối tượng học sinh trên địa bàn tỉnh là khá phức tạp. 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm liên quan tới học sinh với 273 trường hợp, phạt tiền 147,2 triệu đồng, tạm giữ 176 phương tiện. Lỗi vi phạm nhiều nhất là không đội mũ bảo hiểm (253 trường hợp), 11 trường hợp không có giấy phép lái xe theo quy định; đáng chú ý có 1 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn(?!)...
Mới đây nhất, vào khoảng 11h40 ngày 6-11-2023 tại km152+900 trên QL21 thuộc địa phận xã Nam Toàn (Nam Trực), xảy ra vụ TNGT thương tâm giữa xe ô tô khách với xe đạp điện do một học sinh lớp 8 điều khiển đang sang đường làm cháu tử vong! Niềm hy vọng, hoài bão của gia đình và chính em học sinh đã vĩnh viễn dừng lại đầy đau xót! Trong số các vấn đề tiềm ẩn phức tạp về ATGT đối với học sinh hiện nay ở Nam Định cũng như nhiều địa phương khác là việc học sinh điều khiển các loại xe điện, xe cơ giới tham gia giao thông. Những năm gần đây, ngoài học ở trường, các em còn học thêm, luyện thi, tham gia các khóa học kỹ năng, ngoại ngữ… ở các trung tâm với nhiều ca học nối tiếp nhau nên phải di chuyển thật nhanh cho đúng giờ. Để giúp con em đi lại thuận tiện, kịp giờ học và đỡ vất vả, đảm bảo sức khỏe cho việc học, nhiều gia đình đầu tư mua xe đạp điện, xe máy điện cho con. Hiện tại theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, điều khiển tất cả các dòng xe máy (bao gồm cả xe máy điện) có phân khối 50cc trở xuống thì người điều khiển không cần bằng lái xe. Điều này đồng nghĩa với việc các em và gia đình tự học, tự trang bị kỹ năng lái xe và tham gia giao thông an toàn. Mua xe xong, học vài thao tác sử dụng khóa, mở, bấm còi, xi nhan xin đường, tập đi vài vòng cho quen xe là tham gia giao thông luôn… Đáng nói là không phải ai và gia đình nào cũng có thể trang bị một cách đầy đủ, chính xác các kỹ năng an toàn cần thiết để tham gia giao thông. Trong khi đó tốc độ loại phương tiện này cũng khá nhanh, xe lại khá êm khi vận hành trên đường nên nhiều trường hợp dễ gây bất ngờ, giật mình cho người và phương tiện cùng đi trên đường khi học sinh điều khiển xe tránh vượt, chuyển làn… Đã có không ít trường hợp học sinh đi xe điện gây tai nạn cho chính mình hoặc cho người khác vì thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn, lúng túng khi xử lý tình huống giao thông trên đường, ý thức chấp hành quy tắc đảm bảo ATGT kém.
Hội nghị đã đưa ra nhiều kinh nghiệm, giải pháp, nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường. Đó là các giải pháp đồng bộ từ tuyên truyền giáo dục trang bị kiến thức và ý thức về ATGT cho học sinh; xây dựng các mô hình về ATGT trường học phù hợp; xử lý nghiêm học sinh vi phạm… Trong đó, quan trọng là sự phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường, ngành chức năng (công an, giao thông) trong việc đảm bảo ATGT cho các em. Đặc biệt, các gia đình phải nghiêm khắc, hướng dẫn con cái chấp hành đầy đủ các quy định về đảm bảo ATGT, đội mũ bảo hiểm, không đùa nghịch dàn hàng trên đường, không phóng nhanh vượt ẩu hoặc a dua tham gia đua xe trái phép; kiên quyết không giao các loại phương tiện cơ giới cho người chưa đủ điều kiện… Các lực lượng chức năng tăng cường lập và triển khai các chuyên đề kiểm tra kiểm soát và kiên quyết xử lý học sinh vi phạm trật tự ATGT. Cần xem xét đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua đối với các nhà trường, lớp có học sinh vi phạm về ATGT để tăng tính răn đe và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng.
“Dạy con từ thuở còn thơ”, “yêu cho roi cho vọt”, cương quyết, nghiêm khắc trong việc giáo dục đảm bảo ATGT đối với học sinh chính là thể hiện thiết thực tình yêu đối với con trẻ và xây dựng những thế hệ công dân có văn hóa giao thông, để trẻ được an toàn, không bị gián đoạn chặng đường đến trường vì TNGT./.
Vân Thi