Trong thời đại số hiện nay, sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra sân chơi mới lành mạnh cho các hoạt động văn nghệ. Qua không gian mạng, tạo cơ hội cho những người yêu âm nhạc có cơ hội kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm biểu diễn, góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng phát triển đa dạng, bền vững.
|
Nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hằng thu âm ca khúc chèo “Mãi mãi ơn Người”. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Những ngày tháng 7, cả đất nước đau buồn đón nhận tin đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Để tri ân những công lao đóng góp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đất nước, nhiều văn, nghệ sĩ đã sáng tạo các tác phẩm ở nhiều loại hình nghệ thuật như nén tâm nhang dâng lên nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân. Tại Nam Định, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh đã thể hiện bài hát chèo “Mãi mãi ơn Người” (thơ: Bùi Anh Dũng; chuyển thể chèo: Nguyễn Sỹ Sang). Điều đặc biệt, không phải biểu diễn trên sân khấu chèo quen thuộc, NSƯT Diệu Hằng đã kỳ công thu âm và dựng thành clip hoàn chỉnh nhạc phẩm để phát trên các nền tảng mạng xã hội. Ngay sau khi đăng tải trên Youtube, ca khúc chèo “Mãi mãi ơn Người” đã có hơn 2.000 lượt xem. Trên trang Facebook cá nhân, ca khúc được thể hiện từ giọng hát da diết, truyền cảm của NSƯT Diệu Hằng cũng thu hút hàng chục nghìn lượt xem và hàng trăm bình luận thể hiện sự xúc động, tiếc nuối của khán giả về sự ra đi của bậc sĩ phu Bắc Hà - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Là một nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng hát chèo, thời gian qua, NSƯT Diệu Hằng thường xuyên chia sẻ các bài hát chèo, hát văn, các bản ngâm thơ do chị thể hiện trên các nền tảng mạng xã hội như: ngâm thơ “Những bông hoa máu giữa trùng khơi” nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7); hát văn “Nam Định quê tôi”; hát chèo “Nguyện lời sắt son” nhân ngày Quốc khánh (2/9)… Các tác phẩm dưới sự thể hiện của NSƯT Diệu Hằng đều có đặc trưng trong phong cách biểu diễn của chị như: vang, rền, nền, nảy và gợi hồn trong từng cách nhả câu, chữ, qua đó tạo cảm xúc lắng đọng cho khán giả. NSƯT Diệu Hằng cho biết: “Với mong muốn quảng bá nghệ thuật hát chèo, hát văn đến đông đảo công chúng, tôi đã thử sức sử dụng các nền tảng mạng xã hội và thấy hiệu quả rõ rệt. Gần đây, tôi đã phát livestream trên Facebook một số buổi tập thực tế của anh chị em nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh. Qua các buổi livestream, người yêu chèo có thể tham khảo kinh nghiệm biểu diễn, hỏi đáp các thắc mắc về kỹ thuật hát, từ đó áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Tôi nhận thấy tính tương tác, sự lan tỏa sâu rộng là những ưu điểm rất lớn của các nền tảng mạng xã hội hiện nay. Bởi vậy, nếu áp dụng đúng cách, đây sẽ là sân chơi nghệ thuật lành mạnh, góp phần vun đắp các hạt nhân văn nghệ ở các địa phương”.
Trải qua gần 40 năm gắn bó nghệ thuật, gia tài âm nhạc của NSƯT Kiều Dư, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có hơn 400 ca khúc với các loại hình âm nhạc: dân gian, đương đại, phổ thơ. Thời gian qua, NSƯT Kiều Dư thường xuyên sử dụng các nền tảng mạng xã hội Youtube và Facebook để chia sẻ các sáng tác của mình với đông đảo công chúng. Hàng loạt các ca khúc ca ngợi vẻ đẹp quê hương Nam Định của NSƯT Kiều Dư ngoài biểu diễn thực tế, phát sóng trên truyền hình còn được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán thính giả như: “Thành Nam quê tôi”, “Nam Định phố xưa”, “Một thoáng Thành Nam”, “Nam Định vào xuân”, “Về với miền đất thiêng”, “Muôn đời Tổ quốc lưu danh”… Bằng cảm xúc chân thành, sâu nặng được khơi nguồn từ vốn dân ca, dân vũ mang bản sắc của quê hương Nam Định và những trải nghiệm của cuộc sống, Nhạc sĩ Kiều Dư còn soạn lời cho các làn điệu hát Văn với hàng trăm tác phẩm. Trên các nền tảng mạng xã hội Facebook và Youtube của NSƯT Kiều Dư, người yêu âm nhạc dễ dàng tìm thấy các nhạc phẩm hát văn do ông đăng tải.
Bắt nhịp xu hướng thời đại
Theo số liệu thống kê của Sở VH, TT và DL, toàn tỉnh hiện có hơn 900 đội, câu lạc bộ (CLB) văn nghệ quần chúng; trong đó, cấp huyện, thành phố có hơn 20 đội, CLB; cấp xã, phường, thị trấn có gần 200 đội, CLB; cấp thôn, xóm, tổ dân phố có hơn 700 đội, CLB cùng hàng trăm tổ, đội, CLB văn hóa, văn nghệ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học. Mỗi CLB có từ 10-30 thành viên ở mọi lứa tuổi, thành phần xã hội tham gia, trong đó có những thành viên đam mê văn nghệ, am hiểu về các loại hình nghệ thuật, nhạc cụ dân tộc và bản sắc văn hóa địa phương làm hạt nhân. Mỗi năm, các đội, CLB trong tỉnh tổ chức từ 500-800 buổi sinh hoạt, biểu diễn. Thời gian qua, các CLB, tổ đội văn nghệ ngoài sinh hoạt gặp mặt luyện tập định kỳ còn tổ chức nhiều hình thức giao lưu văn nghệ online trên các nền tảng mạng xã hội. Xã Giao Hải (Giao Thủy) hiện có nhiều CLB văn hóa, nghệ thuật gồm: chèo, trống hội, kèn đồng, múa lân - rồng… Từ đầu năm 2024, trang Fanpage “CLB Kèn đồng - Trống hội xã Giao Hải” ra đời với mục đích chia sẻ các tiết mục biểu diễn của CLB tới đông đảo công chúng. Vào dịp hội làng Kiên Hành mùng 5 tháng Giêng hàng năm, CLB đều tham gia biểu diễn; đồng thời CLB được mời biểu diễn ở nhiều sự kiện văn hóa, chính trị như: Đại hội đại biểu Phụ nữ huyện, Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh, Đại hội Thể dục thể thao huyện, Ngày hội Văn hóa - Thể thao truyền thống huyện, các hội nghị sơ kết, tổng kết phong trào xây dựng nông thôn mới… Các tiết mục đa dạng của CLB Kèn đồng - Trống hội xã Giao Hải đều được phát trực tiếp trên Fanpage của CLB và thu hút đông đảo khán giả theo dõi.
Ở xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) phong trào dân vũ thể thao phát triển ở khắp các thôn, xóm. CLB dân vũ thôn Lựu Phố với 20 thành viên ngoài luyện tập tại Nhà văn hóa thôn còn tổ chức các buổi giao lưu biểu diễn livestream trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội Tiktok, Facebook. Bà Trần Thị Nguyệt, thành viên trong CLB cho biết: “Qua các buổi livestream,
CLB đã kịp thời nghe góp ý của nhiều thành viên có kinh nghiệm của các CLB khác để các động tác vũ đạo chuẩn xác hơn. Nếu như trước đây, chúng tôi chỉ được rút kinh nghiệm qua các hội diễn sân khấu thực tế thì hiện nay mỗi thành viên đều học hỏi được nhiều kỹ thuật dân vũ hơn qua mỗi buổi livestream”. Tham gia cuộc thi “Dân vũ thể thao trực tuyến” do Hội Phụ nữ xã Mỹ Phúc phát động, CLB dân vũ thôn Lựu Phố đã đầu tư trang phục và tổ chức ghi hình công phu ở các địa điểm đền làng, nhà văn hóa thôn, qua đó quảng bá nét đẹp quê hương. Clip sau khi được đăng tải trên Fanpage của Hội Phụ nữ xã Mỹ Phúc đã được đông đảo khán giả chia sẻ, đó là động lực để CLB tiếp tục có nhiều hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.
CLB Chèo - Dân ca Nam Định là một trong các CLB văn nghệ hoạt động sôi nổi trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Hiện nay, CLB có gần 2.000 thành viên là những người yêu thích các làn điệu chèo, hát văn tại Nam Định và các tỉnh, thành phố lân cận. Các thành viên trong CLB giao lưu sinh hoạt văn nghệ đều đặn vào các buổi tối qua trang Fanpage “CLB Chèo - Dân ca Nam Định”. Để nâng cao chất lượng các buổi livestream, các tiết mục biểu diễn của các thành viên trong CLB đều được đăng ký cụ thể với Ban quản trị Fanpage. Sau khi lựa chọn các thành viên, tiết mục đã đăng ký, Ban quản trị Fanpage CLB sẽ sắp lịch và thông báo chính thức giờ phát sóng livestream để các thành viên khác đón xem, cổ vũ. Mặc dù mới thành lập từ đầu năm 2024, nhưng đến nay, Fanpage của CLB Chèo - Dân ca Nam Định đã có hàng trăm buổi livestream phát các tiết mục của các thành viên trong CLB.
Thực tế cho thấy, phong trào văn nghệ nở rộ trên các nền tảng mạng xã hội đã tạo hiệu ứng tích cực, trở thành sân chơi văn hóa lành mạnh của những người đam mê nghệ thuật. Từ các buổi sinh hoạt văn nghệ “online”, các hạt nhân văn nghệ được bồi đắp thêm kinh nghiệm, qua đó hoàn thiện bản thân khi biểu diễn trên các sân khấu thực tế. Hơn hết, văn nghệ trên sân khấu “online” hay ngoài đời thực đều phát huy là phương thức hiệu quả tuyên truyền các khu dân cư, các gia đình thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong cộng đồng.
Viết Dư